Trước tiên, hãy hiểu Thiền định là gì?

        Thiền định trong Phật Giáo “không có nghĩa là suy tư về một thứ gì hay mổ xẻ chủ đề nào mà là quan sát tâm thức của chính bản thân mình. Ví dụ, mỗi khi cảm thấy bực dọc thì không nên tìm cách để lẩn tránh nó, cũng không nuôi dưỡng nó hay ra sức để mà tìm hiểu nó. Tốt hơn là chỉ nên chú tâm theo dõi xem nó xuất hiện, tồn tại và biến mất như thế nào. Đấy là cách giúp chúng ta thâm nhập vào bản chất sâu kín nhất của nó để biến cải nó”.

        Thiền định là phương pháp giúp hình thành thói quen tập trung tư tưởng để làm đúng việc chúng ta muốn làm và đang làm. Nó giúp điều chỉnh tình trạng mất cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh – hậu quả của quá trình sinh hoạt và làm việc căng thẳng, giúp hệ thần kinh thực vật khỏe mạnh và hoạt động điều hòa hơn, từ đó giúp bạn cảm thấy vui khỏe và yêu đời hơn.

        Bạn có thể tập trung tư tưởng vào một hình ảnh, một câu thần chú hoặc một điểm trong hay ngoài cơ thể của chính bạn. Từ đó điều chỉnh trạng thái giúp giải tỏa căng thẳng, tránh xa tình trạng kiệt sức vì trầm cảm mà con người hiện đại rất dễ gặp phải.

        Nghiên cứu của Giáo sư Herbert Benson, Trường Đại học Harvard, người sáng lập Viện Y học Tâm thần ở Boston (Mỹ) cho biết: “Thiền định giúp hoạt hóa vùng não cho chúng ta cảm giác hưng phấn. Vì vậy, thực hành thiền định là biện pháp trị bệnh hữu hiệu đối với các chứng bệnh do căng thẳng tâm lý gây ra, giúp tìm lại sự bình an trong tâm hồn và sự lạc quan trong suy nghĩ và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân mất cân bằng hệ thần kinh thực vật hiệu quả ”.
 
Cách thực hành thiền định
 
        – Trước khi ngồi thiền cần giải quyết các nhu cầu cá nhân để không làm gián đoạn buổi luyện tập. Bạn nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát và chọn nơi yên tĩnh để thiền.
 
        – Hãy ngồi xếp bằng thật thoải mái với phần cằm hơi cúi, cột sống lưng – cổ thẳng, đầu lưỡi chạm nhẹ vào nướu răng trên. Hai bàn tay buông lỏng đặt trên hai đùi hoặc đan chéo nhau để trước bụng thật tự nhiên. Bạn nên nhắm mắt lúc ngồi thiền để giảm các kích thích từ bên ngoài tác động đến thiền định.
 
        – Tiếp đó là cố gắng tập trung tư tưởng vào một điểm hay một hình ảnh nào đó để dần đạt đến tình trạng trống rỗng trong tâm trí. Chúng ta có thể chọn một điểm nào đó trên cơ thể hoặc một hình ảnh tĩnh nào đó để hướng toàn bộ tâm trí đến một trạng thái tập trung cao độ. Có thể đếm lặp đi lặp lại từ 1 – 100.
        – Bạn nên chú ý đến hơi thở của mình. Lúc hít vào, bụng dưới phình ra; lúc thở ra, bụng hóp chặt. Chỉ cần thở bình thường. Và tập trung quan sát để biết rõ ta đang hít vào hay đang thở ra thông qua chuyển động phồng lên hay xẹp xuống ở phần bụng. Thỉnh thoảng sẽ có những lúc tâm bị phân tán. Bạn không nên quá lo lắng, hãy quay trở lại với hơi thở để tiếp tục thiền định.
        – Để thư giãn thần kinh hoặc để chữa bệnh, chỉ cần duy trì tình trạng tập trung vào vùng nào đó trên cơ thể trong một thời gian nhất định. Thực hành theo đúng nguyên tắc, giảm thiểu từ từ những ý nghĩ miên man trong đầu, bắt đầu từ nhiều ý nghĩa về ít rồi về một ý nghĩ và sau cùng là không còn ý nghĩa nào. Từ từ, tâm chúng ta sẽ trong sáng hơn, hiểu biết, sáng suốt hơn. Không suy nghĩ gì trong đầu chính là cái đích cần đến của thiền định.
 
        – Điều quan trọng là nên tập thiền định đều đặn hằng ngày, mỗi ngày một hoặc hai lần. Lúc đầu, ngồi khoảng 15 phút mỗi lần, dần dần tăng lên. Sau một thời gian, khi não bộ đã ghi nhận thói quen thiền thì việc ngồi vào tư thế, nhắm mắt cũng có thể đưa bạn vào trạng thái thiền định.
 
        – Sau khi ngồi thiền, hãy từ từ buông thõng hai chân, xoay người qua lại nhiều lần, xoay ở vùng hông và vùng cổ để giảm đau mỏi. Bạn cũng có thể dùng hai tay vuốt nhẹ trên khuôn mặt, dọc theo hai chân, từ đùi dài xuống đến lòng bàn chân để xả thiền.

Trung Hòa

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Các bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
×
Đăng ký thành công!
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x