Phụ nữ có nguy cơ mắc chứng đau nửa đầu (migraine) cao gấp 3 lần so với nam giới. Không dừng lại ở những cơn đau khủng khiếp, căn bệnh này còn nằm trong số 20 nguyên nhân gây tàn tật.

Thống kê của WHO trong những năm gần đây cho thấy 11% dân số trưởng thành trên thế giới đang phải gánh chịu các cơn đau nửa đầu, trong đó phụ nữ chiếm đến 3/4. Bệnh thường tập trung trong giai đoạn 20-45 tuổi, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống cũng như khả năng học tập và làm việc của người bệnh.

Đau nửa đầu kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, đột quỵ, suy thoái võng mạc,… 

Vướng chứng bệnh này, mỗi khi cơn đau xuất hiện, chị Tuyết Mai ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, lại bỏ dở rất nhiều công việc. Cảm giác đau dữ dội tập trung ở nửa đầu bên trái trong suốt nhiều giờ đồng hồ rồi âm ỉ hai ba ngày, chị phải liên tục nghỉ phép. Chỉ cần nghe thấy tiếng trao đổi rì rầm hoặc nhìn thấy ánh sáng từ màn hình máy tính là cơn đau trở nên trầm trọng hơn. Chị Mai miêu tả: “Cơn đau như búa bổ, tôi cứ phải nhắm tịt mắt bịt chặt tai lại, nhiều lúc còn muốn trốn xuống gầm bàn để tìm chỗ tối và yên tĩnh”. Chị Mai lo có u trong não, đi khám mới biết mình bị đau nửa đầu.

Còn chị Thanh Nhàn ở TP HCM thường đau nhói một bên đầu, thậm chí còn đau giật mạnh theo nhịp thở và buồn nôn. Giải pháp của chị là những viên thuốc giảm đau. “Tôi từng bị xoang, đã nạo xoang nhiều lần mà vẫn không hết. Giờ tôi chỉ uống thuốc giảm đau thôi”, chị Nhân chia sẻ.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Thính, Trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Thần kinh học Hà Nội, những cơn đau nửa đầu thường rất khủng khiếp. Kết quả một điều tra tại Mỹ cho thấy cứ 4 người bị đau nửa đầu thì có một phải tìm đến các dịch vụ chăm sóc cấp cứu. Tại Việt Nam, phần lớn người bệnh thường tự ý chẩn đoán và sử dụng thuốc giảm đau một cách thường xuyên trước khi buộc phải tìm đến bác sĩ.

Khi người bệnh đi khám thì đau nửa đầu vẫn dễ bị chẩn đoán nhầm với một số nguyên nhân gây đau đầu khác như viêm xoang… nên có thể dẫn đến điều trị không đúng căn nguyên, theo giáo sư Thính. Những người bị đau nửa đầu không chỉ thường xuyên bị cơn đau hành hạ, mà lâu ngày bệnh còn dẫn đến những hậu quả nguy hại khác cho sức khỏe như suy giảm trí nhớ, khó tập trung, trầm cảm, đột quỵ, suy thoái võng mạc, dẫn đến mất thị lực và mù vĩnh viễn.

Theo một đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đau nửa đầu được xếp trong số 20 nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và ngày càng là vấn nạn lớn toàn cầu. Đối với phụ nữ, bệnh xếp vị trí thứ 9 trong số nguyên nhân gây tàn tật.

Đau nửa đầu có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền. Giáo sư Thính cho biết: “Nếu cha hoặc mẹ bị đau nửa đầu, tỷ lệ con cái mắc bệnh khoảng 50%. Trường hợp cả cha lẫn mẹ đều bệnh thì 75% con cái nguy cơ di truyền. Ngay cả khi có một người họ hàng bị đau nửa đầu thì xác suất di truyền cũng lên đến 20%”.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy,  các hóa chất trung gian sinh ra trong quá trình chuyển hóa ở não làm khởi phát quá trình viêm và sản sinh ra các chất gây giãn mạch. Tình trạng này khi xảy ra quá mức sẽ làm tổn thương lớp nội mạc mạch máu. Những cơ chế phức tạp này dẫn đến các rối loạn vận mạch, khiến mạch máu não giãn nở, biến đổi bất thường và gây nên cơn đau nửa đầu. Ngoài ra, đau nửa đầu còn được biết đến như là hậu quả của một số yếu tố: gen di truyền, ảnh hưởng của các kích thích dây thần kinh cảm giác… 

Hiện nay, điều trị đau nửa đầu bao gồm điều trị cơn đau cấp và điều trị dự phòng, nhưng quan trọng là người bệnh phải chủ động tìm đến bác sĩ thay vì tự ý sử dụng thuốc giảm đau. Lý do, nếu sử dụng trong thời gian dài, các loại thuốc giảm đau có thể gây nhiều tác dụng phụ như ảnh hưởng đến chức năng gan thận và tiêu hóa, gây cao huyết áp khó kiểm soát, sốc thuốc, tương tác với thuốc tim mạch…

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Hinh, Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam cho biết: Theo thời gian các chức năng hệ thần kinh ngày càng suy giảm dần, đặc biệt là ở người già gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ, hay không còn minh mẫn.

Theo Minh Đăng

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Các bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
×
Đăng ký thành công!
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x