Tiểu là một hoạt động nhu cầu sinh lý bình thường của con người hằng ngày để thải trừ lượng nước ra ngoài cơ thể. Nhưng khi bất thường về số lần đi tiểu trong ngày rất có thể là dấu hiệu của một bệnh lý sức khỏe. Vậy đi tiểu nhiều lần trong ngày là bệnh gì? Khi nào tiểu nhiều lần trong ngày được coi là bệnh?
Tiểu nhiều lần trong ngày là bệnh gì?
Sinh lý của đi tiểu ở một người bình thường
Đi tiểu là quá trình cơ thể tống lượng nước thừa ra ngoài. Toàn bộ lượng nước vào cơ thể sẽ hấp thu để thực hiện cho chức năng của nó, lượng còn lại dư thừa bao gồm cả những chất bã tan trong nước sẽ được tích tụ ở bàng quang.
Khi lượng nước trong bàng quang đủ nhiều (khoảng 300-400 ml) sẽ gây ra một phản xạ lên trung khu thần kinh, là phản xạ đi tiểu. Khi đó con người sẽ tìm cách để đi tiểu.
Tuy nhiên, nếu chưa phải lúc thích hợp để đi tiểu thì cơ thể sẽ tự thích nghi bằng cách phản xạ được lặp đi, lặp lại để tăng áp lực bàng quang và ức chế ý thức đi tiểu. Vì vậy đi tiểu hoàn toàn có thể được điều khiển bởi ý thức não bộ nếu lượng nước trong bàng quang trong giới hạn cho phép.
Một người trưởng thành khỏe mạnh bình thường thì đi tiểu 6-8 lần trong 24h, tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào lượng nước vào cơ thể trong ngày.
Chẩn đoán lâm sàng với bệnh tiểu nhiều
Bệnh tiểu nhiều lần do nhiều nguyên nhân, dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Trước khi sử dụng bất kì phương pháp điều trị nào thì người bệnh cần nên đi đến cơ sở thăm khám để có cách điều trị phù hợp nhất.
Việc phát hiện bệnh và tìm ra nguyên nhân dựa trên các chẩn đoán lâm sàng là quan trọng. Khi đến cơ sở thăm khám các bác sĩ có thể dựa vào một số chẩn đoán sau:
- Bệnh nhân mót tiểu liên tục nhưng đi tiểu dễ dàng.
- Không đau buốt và mỗi lần đi lượng ít nước tiểu.
- Làm các xét nghiệm cận lâm sàng: phân tích nước tiểu, thử các tế bào trong nước tiểu, khảo sát siêu âm hệ niệu đạo.
Đi tiểu nhiều lần là bệnh gì?
Đến nay, dựa vào cơ chế sinh lý bệnh của việc đi tiểu người ta đã giải thích được nhiều nguyên nhân gây tiểu nhiều. Theo đó, có một vài nguyên nhân chính như sau:
- Do các bệnh liên quan đến hệ thần kinh trung ương và ngoại biên: Tổn thương thần kinh rải rác, bệnh rối loạn thần kinh thực vật, bệnh Parkinson
- Do uống nhiều cafe. Cafe là một trong những chất hóa học gây kích thích thần kinh trung ương và lợi tiểu
- Do uống nhiều rượu và sử dụng chất kích thích
- Do nhiễm trùng đường tiết niệu. Là một bệnh lý khi bàng quang bị nhiễm khuẩn. Bệnh thường bị ở phụ nữ nhiều hơn nam do cấu tạo giải phẫu đường tiết niệu. Bệnh điều trị bằng các kháng sinh.
- Do bệnh đái tháo đường. Đái tháo đường là bệnh liên quan đến tăng lượng đường trong cơ thể do các tế bào không sử dụng lượng đường làm bệnh nhân luôn thiếu năng lượng, ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều nhưng lại sút cân.
- Do cấu tạo giải phẫu đường tiết niệu. Đường từ bàng quang vào niệu đạo bị tắc nghẽn bởi một vật thể lạ.
- Do các bệnh sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt, sỏi bàng quang, viêm cầu bể thận.
- Do tác dụng phụ của thuốc: Có rất nhiều thuốc có tác dụng phụ gây đi tiểu nhiều với nhiều cơ chế khác nhau như thuốc kháng viêm, thuốc thuộc nhóm cholinergic, thuốc chẹn beta-giao cảm, thuốc chẹn thụ thể serotonin, thuốc lợi tiểu.
Ngoài ra có thể do vấn đề về tình trạng sức khỏe tâm lý như căng thẳng, stress, lo âu.
Phòng ngừa và điều trị chứng tiểu nhiều lần trong ngày
Vì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tiểu nhiều và cơ chế bệnh sinh phức tạp nên việc tìm rõ các yếu tố nguy cơ là cần thiết để các bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
Một số phương pháp điều trị hiện nay đang được áp dụng, có thể dùng riêng rẽ hoặc phối hợp các phương pháp để có hiệu quả tốt nhất:
- Điều trị bằng thuốc thuốc: Một số thuốc làm giảm sự co bóp của bàng quang theo cơ chế làm giảm sự co bóp của detrusor hoặc theo cơ chế trung hòa các chất hóa học trung gian thần kinh ức chế phản xạ đi tiểu. Các thuốc này thường có nhiều tác dụng phụ như khô miệng, khó ngủ, tức vùng bàng quang, chóng mặt buồn nôn. Hơn nữa khi dùng thuốc này cần điều trị lâu dài mới có hiệu quả và khả năng đáp ứng của mỗi người là khác nhau. Vì vậy chỉ khi thức sự cần thiết mới nên sử dụng
- Thiết lập chế độ đi tiểu bao gồm uống nước đúng giờ, uống đủ lượng nước, sử dụng các bài tập của phương pháp kegel
- Điều hòa thần kinh. Khi sử dụng một trong hai phương pháp trên hoặc phối hợp đều thất bại thì sử dụng phương pháp này.
- Phẫu thuật. Đây là phương pháp cuối cùng, chỉ sử dụng khi tất cả các phương pháp trên đều thất bại hoặc chứng bệnh ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của bệnh nhân. Với phương pháp này các bác sĩ phải thực sự cân nhắc và đôi khi cần hội chẩn để đưa ra cách điều trị phù hợp nhất.
Cách giảm thiểu chứng bệnh đi tiểu nhiều lần
Bên cạnh sử dụng các phương pháp điều trị thì người bệnh hoàn toàn có thể giảm số lần đi tiểu trong ngày. Nhất là đối với những bệnh nhân mới bị chưa thực sự cần tớiphương pháp điều trị phức tạp. Những mẹo nhỏ sau đây có thể giúp bệnh nhân tiểu nhiều phần nào cảm thấy dễ chịu hơn khi chung sống với bệnh tiểu nhiều trong ngày.
- Không hút thuốc hoặc tránh khói thuốc khi có thể: Trong thành phần khói thuốc có Nicotin là một chất hóa học kích thích gây lợi tiểu. Ngoài ra, hút thuốc còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, các chuyên gia sức khỏe đều không khuyến khích việc hút thuốc.
- Thiết lập chế độ đi tiểu trong ngày, tập luyện các bài tập trong phương pháp kegel.
- Uống vừa đủ lượng nước, không nên uống quá nhiều.
- Cân bằng cuộc sống, giảm căng thẳng stress.
- Chế độ ăn uống nhạt, nhiều rau xanh, chất xơ. Hạn chế ăn đồ nóng, cay.
- Duy trì lối sống lành mạnh, không rượu bia chất kích thích.
Tóm lại chứng tiểu nhiều là chứng bệnh hay gặp không chỉ ở người già mà kể cả những người trẻ tuổi gây ảnh hưởng xấu tới công việc, học tập, lao động và sinh hoạt. Mong rằng bài viết trên có thể giúp các bạn đọc hiểu rõ hơn về chứng bệnh tiểu nhiều lần trong ngày và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.